Lời Nói Thần Kỳ Nuôi Dưỡng Những Đứa Trẻ Hạnh Phúc: Từ 0 - 6 Tuổi
Lời nói thần kỳ nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc của Erika Takeuchi – người có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, có cơ hội tiếp xúc với gần 9.000 cặp bố mẹ và con gái. Trong suốt quá trình đó, tác giả nhận thấy được lời nói của bố mẹ có ảnh hưởng to lớn như thế nào đến tính cách của con cái.
Những đứa trẻ được khích lệ “Mẹ tin rằng con sẽ làm được” sẽ đón nhận thử thách không chút sợ hãi. Những đứa trẻ được động viên “Cố lên con nhé” sẽ luôn luôn nỗ lực. Những đứa trẻ được nghe lời “Cảm ơn con” sẽ trở thành những đứa trẻ biết giá trị của lòng biết ơn. Ngược lại, những đứa trẻ bị nói “Con chẳng được tích sự gì” sẽ trở nên tự ti, luôn mang ý nghĩ “Mình là đứa bỏ đi, chẳng được cái tích sự gì”.
Trẻ em sẽ ghi nhớ 30.000 từ cho đến hết năm 6 tuổi. Hãy biến 30.000 từ này trở thành những lời động viên tích cực để cổ vũ, động viên trẻ trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Tính tình của con trở nên tốt hay xấu đều tùy thuộc vào lời ăn tiếng nói của bố mẹ. Trong Lời nói thần kỳ nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc tác giả sẽ chia sẻ cho bố mẹ từng giai đoạn phát triển của trẻ và những câu nói nên sử dụng để có thể đưa ra những câu nói hiệu quả.
0 tuổi: Tạo cảm giác yên tâm, nuôi dưỡng khả năng nhạy cảm
1 tuổi: Kích thích tính hiếu kỳ
2 tuổi: Tiếp nhận cảm xúc, xoa dịu sự bực dọc
3 tuổi: Vừa hỗ trợ vừa tập cho con tính tự lập
4 tuổi: Khả năng tự tư duy, biết vượt qua khó khăn
5 tuổi: Năng lực cảm thông, biết quan tâm đến người khác
6 tuổi: Nuôi dưỡng cảm giác khẳng định bản thân
Mục lục:
Lời nói đầu
Chương 0: Lúc 0 tuổi, câu nói “có mẹ ở đây rồi” sẽ làm cho trẻ yên tâm
Chương 1: Khi trẻ 1 tuổi, câu nói “con làm được rồi này” sẽ khuyến khích trẻ thử sức
Chương 2: Xoa dịu khó chịu của trẻ lên 2
Chương 3: Hỏi “con chọn cách nào?” để hỗ trợ trẻ 3 tuổ
Chương 4: Hỏi “thế bây giờ làm gì nhỉ?” giúp trẻ 4 tuổi phải suy nghĩ
Chương 5: Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, biết quan tâm đến người khác
Chương 6: Nuôi dưỡng lòng tự tôn ở tuổi lên 6 với “thông điệp tình yêu”
Lời kết
Thông tin tác giả:
Erika Takeuchi là nhà giáo dục trẻ em, giảng viên tại trường Đại học Shukutoku, chủ tịch Hiệp hội huấn luyện trẻ em Nhật Bản, bà mẹ của hai con. Bà tốt nghiệp thạc sĩ Khoa Nghiên cứu Khoa học nhân văn của trường Đại học Ochanomizu. Trong 20 năm nghiên cứu về tâm lý, giáo dục và sự phát triển của trẻ em, bà đã hướng dẫn cho hơn 9009 trẻ ở nhiều độ tuổi từ sơ sinh đến sinh viên đại học. Bà hỗ trợ khắc phục việc bỏ học giữa chừng do tác động tâm lý, chứng tăng động, chỉ đạo rèn luyện vận động cho trẻ… Ngoài việc đã đạt thành tích số 1 trong đại hội quy mô toàn quốc, bà còn nhận được 14 giải thưởng khác. Sau khi kết hôn, sinh con, bà đã thành lập Hiệp hội Đào tạo Trẻ em Nhật Bản với mục đích là hỗ trợ nuôi dạy trẻ em.
Bà cũng là tác giả của hai cuốn sách bán chạy: Nuôi dạy bé gái: Từ 0 – 6 tuổi; Nuôi dạy bé trai: Từ 0 – 6 tuổi.
Trích đoạn sách:
Thay câu mệnh lệnh thành câu hỏi “Con muốn như thế nào?” khiến trẻ phải suy nghĩ
Khi xảy ra vấn đề nào đó, lúc trẻ đang tự suy nghĩ, có phải người lớn thường đưa ngay cách giải quyết “Nên làm như này...”? Khi trẻ định thử làm gì, có phải người lớn thường cấm cản “Không được đâu”? Khi trẻ đặt niềm tin vào bản thân, có phải người lớn lại mang chuyện thất bại trong quá khứ ra để nói “Lúc nào con cũng vậy thôi”?
Khi trẻ gặp chuyện gì, hãy luôn đặt ra câu hỏi “Con nghĩ bây giờ phải làm thế nào?”, “Cách làm nào tốt hơn?”, để khiến trẻ phải suy nghĩ. Trẻ sẽ tư duy theo cách riêng và tự mình lựa chọn. Nếu việc này được tạo thành thói quen thường xuyên thì khi đối diện trước một vấn đề, trẻ sẽ có thể tự vấn bản thân “Sẽ phải làm thế nào nhỉ?”, và tự mình tìm ra cách giải quyết. Người lớn hãy thử thay đổi từng chút một, từ chỗ dạy cho trẻ một điều gì đó thành huấn luyện cho trẻ, đặt câu hỏi cho trẻ tự suy nghĩ. Hãy tìm cách gợi mở những tiềm năng của trẻ. Chỉ cần người lớn thay đổi cách nói của mình, chắc chắn sẽ thấy được những thay đổi to lớn ở trẻ.
Biết trước sự phát triển theo từng độ tuổi để có thể đưa ra những câu hỏi hiệu quả
0 TUỔI TẠO CẢM GIÁC YÊN TÂM, NUÔI DƯỠNG khả năng nhạy cảm
0 tuổi là giai đoạn quan trọng để nuôi dưỡng khả năng nhạy cảm, làm cơ sở cho cảm giác khẳng định bản thân. Dù trẻ chưa biết gì nhưng việc nói với con những lời đẹp đẽ “Thế giới mà con sinh ra thực sự là một nơi rất vui vẻ và tuyệt vời con ạ”, hay việc da tiếp da đầy đủ cộng với quá trình giao tiếp sử dụng nhiều từ ngữ phong phú nhằm truyền đạt thông điệp “Lúc nào cũng có mẹ ở đây, con yên tâm nhé” là những hành động cần thiết.
1 TUỔI KÍCH THÍCH TÍNH HIẾU KỲ
1 tuổi là thời kỳ sự phát triển về thể chất một cách rõ ràng, cũng là thời kỳ nuôi dưỡng tính hiếu kỳ ở trẻ. Giai đoạn này, chỉ cần cảm thấy thích thú với điều gì, trẻ sẽ lao đến thử ngay nên bố mẹ sẽ rất mệt mỏi để trông chừng. Nhưng bố mẹ hãy cố gắng luôn tạo môi trường kích thích sự tò mò để lúc nào trẻ cũng “muốn làm thử”, hạn chế nói “Không được” mà thay vào đó là sự khích lệ “Con đã làm được rồi”, để trẻ biết đến niềm vui của việc chinh phục thử thách.
2 TUỔI TIẾP NHẬN CẢM XÚC, XOA DỊU SỰ BỰC DỌC
2 tuổi là thời kỳ mà cùng với phát triển về trí não, tư duy, trẻ dễ trở nên cáu gắt do sự khác nhau giữa “điều muốn làm” và “điều có thể làm”. Việc bố mẹ tiếp nhận cảm xúc của con bằng cách lặp lại những từ ngữ của trẻ là rất quan trọng. Nhưng nếu những lúc không thể xoa dịu được sự khó chịu của trẻ, bố mẹ hãy ôm ấp, vỗ về để cùng trẻ vượt qua thời điểm đó.
3 TUỔI VỪA HỖ TRỢ, VỪA TẬP CHO CON TÍNH TỰ LẬP
3 tuổi là thời kỳ tự lập, cái gì cũng “Để con tự làm”. Ừ thì tự làm, nhưng đâu được suôn sẻ, đôi khi con sẽ thất bại vì không biết cách làm như thế nào. Người lớn nên hỗ trợ khéo léo bằng cách gợi ý cho trẻ “Mẹ con/Bố con mình cùng làm nhé?”, “Con muốn thử làm thế này không?”. Điều này sẽ cho trẻ cảm nhận được cảm giác thành công là như thế nào, đồng thời nuôi dưỡng tính tự lập của trẻ.
4 TUỔI KHẢ NĂNG TỰ TƯ DUY, biết VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
4 tuổi là thời kỳ trẻ có thể lập kế hoạch “Phải làm thế nào cho suôn sẻ”, “Thực hiện lúc nào thì được”. Những câu hỏi cụ thể “Khi nào”, “Ở đâu”, “Với ai”, “Làm như thế nào”, “Tại sao” sẽ dẫn đến những hành động cụ thể, nhờ đó mà trẻ sẽ tự suy nghĩ để lên kế hoạch, dần hình thành khả năng tự giải quyết vấn đề, vượt qua khó khăn.
5 TUỔI NĂNG LỰC CẢM THÔNG, BIẾT NGHĨ CHO NGƯỜI KHÁC
5 tuổi là thời kỳ mà về mặt tình cảm, khả năng cảm thông và biết nghĩ cho người khác được nuôi dưỡng, phát triển cùng với khả năng tư duy. Hãy nói với trẻ “Nếu con làm như vậy, thì bạn con sẽ nghĩ như thế nào nhỉ?”, hay những thông điệp kiểu như “Có con giúp một tay, mẹ vui lắm”, “Bị nói như thế sẽ buồn lắm con nhỉ”. Bằng cách nói chuyện truyền đạt hay khơi gợi những suy nghĩ về cảm xúc như vậy, trẻ sẽ học được cách lý giải cảm xúc của người khác.
6 TUỔI NUÔI DƯỠNG CẢM GIÁC KHẲNG ĐỊNH BẢN THÂN
Cảm giác khẳng định bản thân cần được nuôi dưỡng trong giai đoạn 6 tuổi. Đó là loại cảm giác “Chỉ cần là chính mình cũng được rồi”, “Sự tồn tại của bản thân trong cuộc đời này luôn có giá trị”, là lòng tự tôn, mong muốn được khẳng định sự tồn tại của bản thân. Hay nói cách khác, đó là sự tự tin vào chính bản thân mình. Để nuôi dưỡng được sự tự tin này, bố mẹ không chỉ có ngợi khen hành động, mà hãy thường xuyên có những lời nói tôn trọng chính sự tồn tại của trẻ: “Cảm ơn con đã sinh ra trong cuộc đời này”, “Bố mẹ lúc nào cũng sẽ luôn bên con”.
Nhà sách Newshop hân hạnh giới thiệu đến quý độc giả!