Đất Tiền Đất Bạc
“Nếu người đọc Bố già thấy hào hứng ở những cảnh bắn giết máu óc tùm lum ở mỗi trang sách, mới đi sâu vào hai xã hội bí mật nhất và bẩn nhất Mỹ quốc là Mafia và Hollywood thì đọc Đất Tiền Đất Bạc sẽ ngạc nhiên vì cùng một tác giả Mario Puzo mà không thấy súng nổ loạn, chỉ thấy ám ảnh vì con người tranh ăn để sống! Cho tới bây giờ ông mới viết có hai truyện The Godfather và The Fortunate Pilgrim mà như tên gọi, con người đói quá bèn rủ nhau đổ xô sang Mỹ ‘hành hương’. Họ đâu cần tìm đạo, tìm triết lý mà chỉ đi... tìm tiền! Đúng hơn là đi kiếm miếng sống, cho khỏi đói. Nhưng không chết đói là may... họ lại đòi no nữa. Họ lại muốn làm giàu, thật nhiều thật lẹ... dù đồng tiền có bẩn và nếu cần còn phải triệt hạ đồng loại, nhiều khi còn đồng bào!
Vì vậy phải hiểu là Đất Tiền Đất Bạc đã được viết trước để làm bối cảnh xã hội cho Bố già. Phải đọc kỹ Đất Tiền Đất Bạc thì may ra mới hiểu ở Bố già những động cơ nào đã đưa đến sự lũng đoạn của phe nhóm Bàn tay đen, dễ dàng và bất nhân như vậy.”
Giới thiệu tác giả: Mario Puzo (1920 -1999) là nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo gốc Napoli, sống tại New York. Khi Thế chiến II bùng nổ, ở tuổi đôi mươi, Puzo nhiệt thành đăng lính. Chiến tranh kết thúc, Puzo trở về lập gia đình và tiếp tục con đường học vấn. Năm 1950, ông ra mắt truyện ngắn đầu tay The Last Christmas. Năm năm sau, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, The Dark Arena, trong lúc đang đảm nhiệm vị trí biên tập viên cho nhà xuất bản Martin Goodman. Thời gian này, ông còn tham gia viết bài cho một số tạp chí dành cho đàn ông như Male, True Action và Swank. Năm 1965, ông xuất bản The Fortunate Pilgrim. Năm 1969, tiểu thuyết The Godfather, tác phẩm nổi tiếng nhất của Puzo, ra đời và gây tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới, nhanh chóng được chuyển thể thành phim. Mario Puzo tiếp tục phát triển sự nghiệp văn chương và xuất bản nhiều tiểu thuyết ăn khách như Fools Die (1978), The Sicilian (1984), The Fourth K (1990), The Last Don (1996). Năm 1999, ông đột ngột qua đời sau một cơn trụy tim. Hai bản thảo cuối cùng của Puzo được xuất bản sau khi ông mất là Omertà (2000) và The Family (2001).
Nhận xét về tác phẩm:
“Đất Tiền Đất Bạc là cuốn sách hay nhất và văn học nhất của tôi.”
- Mario Puzo
“Một tác phẩm kinh điển, có thể đưa Puzo đi đúng hướng, trở thành Bernard Malamud hoặc Henry Roth của Ý.”
- The New York Times
“Đất Tiền Đất Bạc là nơi sinh thực sự của Bố già.”
- Random House